Tranh luận Vạn Trinh Nhi

Nhiễu loạn triều đình

Sách Hiến Tông thực lục (宪宗实录) trong bộ Minh thực lục có những ghi chép chỉ trích Vạn Quý phi rất vô căn cứ.

Theo truyền thống, Thực lục là triều sau ghi lại từ triều trước, tức là Minh Hiếu Tông sẽ ghi lại truyền từ thời cha là Minh Hiến Tông. Về thân thế của Hiếu Tông, từ nhỏ nhìn cảnh Vạn Quý phi độc sủng, mẹ đẻ Kỷ Thục phi bị ghẻ lạnh, tự nhiên sẽ sinh ra tâm lý chán ghét Vạn Quý phi, rất có động cơ trong việc tiến hành biên ra những điều bất lợi về bà.

Có 4 điểm chính mà Hiến Tông thực lục kết tội Vạn Quý phi:

  1. Chuyên sủng (专宠): Hiến Tông chuyên sủng Vạn thị mấy chục năm là sự thực, tuy nhiên việc này nếu chỉ trích Vạn thị, thì người đáng bị chỉ trích lại nên là Minh Hiến Tông. Quan niệm Trung Quốc cổ đại, Hoàng đế là quốc gia, ý của Hoàng đế là tự Hoàng đế chịu trách nhiệm, về phương diện hậu cung thì sủng ai, thích ai cũng không thể quản và phản đối. Thực lục liệt kê đây là tội trạng của Vạn thị, điều này rất không công bằng.
  2. Phục dụng khí vật cùng cực tiếm nghĩ, tứ phương tiến phụng kỳ kỹ dị vật giai quy chi (服用器物穷极僭儗,四方进奉奇技异物皆归之): đây là nói Vạn Quý phi ăn mặc, vật dụng hàng ngày toàn xa hoa, có thể so với Hoàng đế về độ tinh xảo, đến cống phẩm của các phương hiến cho Hoàng đế cũng đều đến tay bà sử dụng. Thực tế mà nói, Hoàng đế sủng ái ai và cung cấp đồ cho người mình thích vượt hơn bình thường là điều rất điển hình, vì đó là chuyện riêng của Hoàng đế, các cống phẩm do Hoàng đế sở hữu, cất vào kho, dâng lên Thái hậu hay ban cho sủng phi cũng đều do bản thân Hoàng đế quyết định, không ai có quyền chất vấn. Trên thực tế, Vạn Quý phi không có quyển sở hữu những món vật trong cung theo cung quy, chỉ có quyền sử dụng những thứ Hoàng đế ban tặng. Do vậy, việc Vạn Quý phi được Hoàng đế sủng ái mà ăn mặc lẫn vật dụng khác hơn người khác là hoàn toàn bình thường, không phải là tội trạng.
  3. Nhất môn phụ huynh đệ chất giai thụ dĩ Đô đốc đô chỉ huy Thiên bách hộ đẳng quan (一门父兄弟侄皆授以都督都指挥千百户等官): đây là ý nói việc các anh em trong nhà Vạn Quý phi đều có tước Đô đốc hàm cao. Đây là chuyện bình thường, vì theo Minh chế, nam duệ trong nhà của phi tần đều có quy định việc hậu đãi tước vị và chức quan, so sánh đãi ngộ trong nhà của Vạn Quý phi vẫn là hợp với quy củ của nhà Minh, không hề có cái gì đặc thù hay thiên vị.
  4. Nịnh hạnh xuất ngoại trấn thủ nội bị cung phụng giả, như Tiền Năng, Đàm Cần, Uông Trực, Lương Phương, Vi Hưng…… Giả dĩ cống hiến mãi bạn khoa liễm dân tài…… Thiện tác uy phúc tường hại thiện lương lộng binh cấu họa (佞幸出外镇守内备供奉者,如钱能、覃勤、汪直、梁方、韦兴……假以贡献买办科歛民财……擅作威福戕害善良弄兵构祸): Đây chính là nói đến một truyền thuyết rất phổ biến, cho rằng Vạn Quý phi câu kết với hoạn quan Uông Trực, khiến hắn được Hiến Tông trọng dụng mà thăng quan, lại còn kéo bè phái ra sức hoành hành, hà hiếp nhân dân. Tuy nhiên, những điều này đều hoàn toàn vô căn cứ cả, vì không hề có bằng chứng cụ thể có mối liên hệ giữa Vạn Quý phi cùng những người này. Thời nhà Minh, hoạn quan kéo bè phái, cùng ngoại quan triều đình đấu tranh là chuyện rất phổ biến, quy chụp rồi bôi nhọ nhau diễn ra hằng ngày, cách gán Vạn Quý phi mưu đồ cùng bọn họ, e rằng cũng là một loại chụp mũ. Những người nêu trên đến thời Minh Hiếu Tông phần lớn bị mất hết thế lực, số thì bị trảm mà không quan tra xét, hoàn toàn không có ảnh hưởng cục diện chính trị ghê gớm.

Có thể nhìn tống quan, bản thân nhà Minh, từ Minh Hiếu Tông đến Chu Thái hậu quả thật không có giao hảo tốt với Vạn Quý phi, khi cho biên soạn Minh thực lục có hơi quá lời, song điều này về sau trở thành một "chứng cứ" mà người tìm hiểu lịch sử giai đoạn này đánh giá Vạn Quý phi có sai lệch. Cụ thể như phim ảnh mà nói, rất nhiều phim khắc họa một Vạn Quý phi độc ác điên loạn, tất cả đều dựa vào những gì Minh Hiến Tông thực lục lên án.

Hại chết phi tần cùng hoàng tự

Theo quan tu soạn Minh sử, phần "Vạn Quý phi truyện" ghi lại rằng Vạn thị là một người tàn độc, dám giết hại phi tần cùng các hoàng tử của Minh Hiến Tông.

Theo Minh sử viết, Quý phi Vạn thị xinh đẹp đắc sủng nhưng đã ngoài 30 tuổi nên khó lòng mang thai, dù cho có thể mang thai thì bào thai cũng rất yếu, do đó sinh Hoàng trưởng tử được một tháng thì chết yểu, từ đó mất khả năng sinh dục. Vừa mất đi con trai, vừa mất đi tương lai, Vạn Quý phi vô cùng thống hận các phi tần được Minh Hiến Tông sủng ái, đối với những ai mang long thai, bà tàn nhẫn bức ép phá thai hoặc bày kế hại họ sẩy thai. Có lời đồn cho rằng Kỷ Thục phi, phi tần được Hiến Tông ân hạnh bị Vạn thị nhốt vào lãnh cung, trong lúc này sinh Hoàng tam tử Chu Hựu Đường (tức là Minh Hiếu Tông) được Thái giám bế đến. Hiến Tông thấy con trai nên vui mừng khôn xiết, lập làm Thái tử. Vạn thị sợ Kỷ thị phục sủng nên sai người đầu độc chết, sau đó yêu cầu Hiến Tông phế bỏ ngôi vị Thái tử của Hựu Đường. Ngoài ra, trong Liệt truyện này cũng ghi Hoàng nhị tử Chu Hựu Cực do Bách Hiền phi sinh cũng bị Vạn thị sát hại.

Về niên đại, Minh sử là cuốn sử do người thời nhà Thanh biên soạn, độ khả tín tương đối được liệt vào hàng quốc sử, song chuyện giết hoàng tự này ngay cả Hiến Tông thực lục đương đại cũng không ghi lại, đến đây lại đột ngột xuất hiện và gán cho Vạn Quý phi, cũng khiến cho các sử gia hoài nghi. Theo học giả khảo chứng Minh sử, đoạn truyện này xuất từ câu chuyện dã sử mang tên Thắng triều đồng sử thập di kí (胜朝彤史拾遗记), bởi văn tự đều cơ bản giống nhau. Mao Kì Linh (毛奇龄), tác giả cuốn dã sử này cũng là một trong những người tham gia biên soạn Minh sử, mà Thắng triều đồng sử thập di kí lại là xuất từ biên hành Cốc sơn bút trần (谷山笔尘) trong năm Vạn Lịch. Căn cứ Cốc sơn bút trần, câu chuyện dựa vào lời kể của một lão Thái giámNam Kinh, vào thời điểm cách năm Vạn Quý phi mất gần 105 năm, hơn nữa một Thái giám ở Nam Kinh lại nghe chuyện kể lại từ Bắc Kinh nên độ khảo chứng chưa chắc chính xác.

Trong Minh sử, mục truyện "Kỷ Thái hậu" có ghi lại hành trạng của Kỷ thị rằng:「(Thái hậu) sinh Hiếu Tông, sử Môn giám Trương Mẫn nịch yên, Mẫn kinh viết: "Thượng vị hữu tử, nại hà khí chi?"; 生孝宗,使门监张敏溺焉。敏惊曰:上未有子,奈何弃之。」. Năm Thành Hóa thứ 6, Minh Hiếu Tông ra đời, Kỷ thị sợ mà cầu xin Thái giám Trương Mẫn dìm hoàng tử chết đuối, Trương Mẫn giật mình nói: ["Hoàng đế không có nhi tử, có thể nào làm như vậy!?"]. Nhưng vào năm ấy, căn cứ Minh thực lục, khi đó con trai Bách Hiền phi là Hoàng nhị tử Chu Hựu Cực vẫn còn sống, mãi tận 2 năm sau khi Minh Hiếu Tông ra đời mới quy tiên (Hiếu Tông sinh năm 1470, còn Hựu Cực qua đời năm 1472), cho thấy phát ngôn của Trương Mẫn là rất mâu thuẫn. Bên cạnh việc này, lúc đó Chu Thái hậu, mẹ của Minh Hiến Tông vẫn còn sống, việc sinh hạ Hoàng tử là quốc gia đại sự, dù Hoàng hậu thất sủng thì đương nhiên Hoàng Thái hậu cũng không thể khoanh tay nhìn một phi tần đoạn tử tuyệt tôn hoàng tộc. Thực tế là Minh Hiến Tông cũng có nhiều hoàng tử, hoàng nữ khác do phi tần sinh nên việc Vạn thị độc hại long tự là không có tính xác thực.

Khi đọc qua chuyện về Vạn Quý phi trong Minh sử, Càn Long Đế phê "Bác bỏ chuyện Vạn Quý phi của Minh Hiến Tông ép các cung phi trụy thai", điều này được ghi lại trong Càn Long ngự phê thông giám (乾隆御批通鑑)[6].